Giới thiệu Trầu Vàng

Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích, chỉ có vùng Vị Thủy nước ngọt ven sông Hậu này trồng trầu mới đậm đà, ăn mới ngon, thắm môi, đỏ miệng.

Nghề trồng trầu tại xã Vị Thủy có quá trình phát triển gắn liền với tên gọi của địa phương. Trước 1975, chỉ có một vài hộ tham gia trồng trầu mục đích là phục vụ nhu cầu của gia đình và làm lễ, đám tiệc. Đi đầu trong phong trào này là bà Phan Thị Năm (80 tuổi) ấp 5 xã Vị Thủy (được xem là người có công khởi xướng mô hình để tạo nên một làng trầu độc đáo như hiện nay. Bà Năm kể, năm bà 19 tuổi, cha bà thường ăn trầu trong khi lúc này chiến tranh loạn lạc, tìm mua trầu rất khó, giá cả lại mắc nên bà quyết tâm tìm giống trầu về trồng cho cha ăn. “Ban đầu tôi chỉ mua một dây trầu về trồng, chủ yếu để cha ăn hằng ngày. Nhưng có lẽ hợp thổ nhưỡng nên trầu rất tốt, cứ thế tôi gầy ra thành nhiều nọc.    Rồi bà con trong xóm xin giống, tôi cho về trồng cũng chủ yếu để phục vụ những người lớn tuổi hay ăn trầu. Trầu trồng nhiều, lại ngon, lá đẹp nên rất nhiều người tìm đến mua về phục vụ những dịp cưới hỏi, rồi bà con mang bán vào dịp Tết, cũng có đồng vô đồng ra. Cứ thế đến giờ thành làng nghề trồng trầu lúc nào không hay”- bà Năm nói). Đến đầu năm 1990 về sau trầu bắt đầu có giá nên kéo theo nhiều hộ tham gia trồng. Những năm gần đây ghi nhận giá trầu có sự biến động cao nên kéo theo các hộ dân tham gia cải tạo vườn tạp trồng trầu để tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Vườn trầu vàng tại Vị Thủy
Vườn trầu vàng tại Vị Thủy

Tuy nhiên do đây là nghề đặc thù, thị trường tiêu thụ đòi hỏi có sự khác biệt vựa vào nhu cầu tiêu dùng nên đã hạn chế sự phát triển của nghề trồng trầu. Để  nghề truyền thống trồng trầu phát triển đòi hỏi cần có sự mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển ngành nghề phụ trợ như du lịch, sử dụng làm dược liệu,...Mới đây UBND tỉnh Hậu Giang ra quyết định số 25 QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2020 công nhận Nghề truyền thống vườn trầu ấp 5 xã Vị Thủy. Đây được xem là hướng đi mới của Nghề truyền thống vườn trầu ấp 5 trong thời gian tới. Hiện nay, toàn xã Vị Thủy có trên 30ha trầu với hơn 200 hộ trồng. Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích, chỉ có vùng Vị Thủy nước ngọt ven sông Hậu này trồng trầu mới đậm đà, ăn mới ngon, thắm môi, đỏ miệng.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương khác như Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh...